Logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Mục lục
Khái niệm thuật ngữ Logistics
Điều 233 Luật thương mại nói rằng:
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Logistics là tên gọi của dịch vụ logistics trong khoảng thời gian đầu cụm từ này mới xuát hiện tại Việt Nam. Hiện nay, ngay tại VN, hầu hết những nhà chuyên môn đều đồng ý rằng dùng từ “hậu cần” để giải thích logistics vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa về từ logistics hiện đại và do vậy giải pháp là hãy cứ để nguyên từ logistics trong ngôn ngữ nước ta, cũng như marketing, container…
Và, Thuật ngữ logistics cũng đã được sử dụng chính thức trong Luật thương mại 2005, và được phiên âm (một cách khá “ngộ nghĩnh”) theo tiếng Việt là “lô-gi-stíc”.
Hiện có nhiều định nghĩa học thuật về thuật ngữ logistics. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), thì thuật ngữ này được định nghĩa khá đầy đủ như sau:
“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba.
Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”
Nguồn gốc của từ “logistics”
Theo từ điển Oxford bản gốc, logistics “là một nhánh của ngành khoa học quân sự, liên quan đến các hoạt động như thu mua, bảo dưỡng và vận chuyển vật chất, nhân sự và phương tiện”.
Sở dĩ có định nghĩa này vì Logistics được nhiều người cho rằng xuất phát từ chữ “Logistique” trong Tiếng Pháp, lần đầu tiên xuất hiện trong quyển “Nghệ thuật Chiến tranh” của Baron Henri, một tướng quân dưới trướng Napoleon.
Một số ý kiến khác cho rằng “Logistics” xuất phát từ tiếng Hy Lạp, với 2 từ “Logosh” – Lý lẽ và “Loyistikosh” – Kế toán chuyên đo đếm.
Đến sau này, ngành sản xuất và dịch vụ mới bắt đầu mượn Logistics và sử dụng thuật ngữ “Logistics Kinh Doanh”, được áp dụng rất nhiều bởi quân đội Pháp trong thế chiến.
Chính vì thế, chúng ta có định nghĩa mới của Logistics trong quyển “New Oxford American” như sau: “Logistics là cách tổ chức chi tiết và thực hiện một loạt hoạt động phức tạp.” hay “Sự phối hợp chi tiết của một hoạt động phức tạp liên quan đến nhiều người, phương tiện hoặc vật tư.”
Vai trò đối với nền kinh tế của Logistics
Dù doanh nghiệp có tập trung và đầu tư vào thiết kế, sản xuất sản phẩm/ dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt đến mấy, nếu những sản phẩm/ dịch vụ đó không đến tay khách hàng đúng nơi, đúng thời điểm thì doanh nghiệp vẫn sẽ thất bại.
Đó là chính là ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành logistics trong nền kinh tế.
Nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh
Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu về Logistics, chi phí cho hoạt động này chiếm khoảng 10-13% GDP tại các nước phát triển. Ở các nước đang phát triển, con số này sẽ cao hơn khoảng 15-20%. Ví dụ, hoạt động Logistics ở thị trường Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ bình quân là 33%/năm và Brazil là 20%/năm. Đây là minh chứng cho thấy chi phí tiêu tốn cho Logistics rất lớn.
Vì vậy, việc phát triển dịch vụ Logistics là điều tất yếu để giúp các doanh nghiệp cùng nền kinh tế quốc dân giảm được chi phí trong vận hành. Từ đó, quá trình sản xuất kinh doanh cũng được tinh giản và đạt hiệu quả cao hơn. Hệ quả của chuỗi thuyên giảm chi phí, tối ưu quá trình sản xuất sẽ làm gia tăng hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường. Thực tế cho thấy điều này hoàn toàn đúng, tại các nước Châu Âu, chi phí Logistics đã giảm xuống rất nhiều và dự định sẽ còn giảm nữa trong các năm tới.
Tối ưu chi phí trong hoạt động lưu thông phân phối
Giá hàng hóa bán ra trên thị trường được tính bằng tổng của mức giá tại nơi sản xuất và chi phí lưu thông. Trong chi phí lưu thông, phí vận tải sẽ chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là đối với hàng hóa trong buôn bán quốc tế. Từ đó có thể hiểu được, vận tải chính là yếu tố quan trọng của lưu thông, với nhiệm vụ đưa hàng hóa đến nơi tiêu thụ.
Trong kinh doanh quốc tế, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng khá lớn. Theo số liệu thống kê của UNCTAD, vận tải đường biển chiếm trung bình khoảng 10-15% giá FOB, hay 8-9% giá CIF. Vì thế, dịch vụ Logistics hoàn hảo và hiện đại sẽ tiết kiệm chi phí vận tải cùng những chi phí khác phát sinh trong quá trình lưu thông một cách tối ưu nhất.
Gia tăng giá trị kinh doanh của các đơn vị vận tải giao nhận
Ngày nay, quy mô nền kinh tế ngày càng rộng mở, khiến các chi tiết của một sản phẩm có thể do nhiều quốc gia cung ứng. Ngược lại, một loại sản phẩm có thể tiêu thụ trên nhiều quốc gia và tại các thị trường khác nhau. Vì thế, chất lượng dịch vụ mà khách hàng yêu cầu từ đơn vị kinh doanh vận tải, giao nhận ngày càng đa dạng và phong phú. Đơn vị vận tải từ đó trở thành nơi cung cấp dịch vụ Logistics. Rõ ràng, dịch vụ Logistics đã làm gia tăng giá trị kinh doanh của các đơn vị vận tải giao nhận.
Nhờ việc sử dụng dịch vụ Logistics trọn gói, các đơn vị sản xuất có thể rút ngắn thời gian vận chuyển, giao nhận xuống chỉ còn ½ so với quy trình truyền thống. Kinh doanh dịch vụ này cho tỷ suất lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần sản xuất và 1 – 2 lần so với các dịch vụ ngoại thương khác.
Góp phần mở rộng thị trường trong kinh doanh quốc tế
Dịch vụ Logistics được hình dung giống như chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa trên các tuyến đường để đến các thị trường mới mà vẫn đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đã đề ra. Vì thế, các nhà sản xuất kinh doanh muốn chiếm hữu và mở rộng thị trường thì cần phải có sự hỗ trợ của dịch vụ Logistics.
Hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong buôn bán quốc tế
Một giao dịch trong kinh doanh quốc tế thường phải yêu cầu nhiều loại giấy tờ, chứng từ. Theo ước tính từ phía Liên Hợp Quốc, các loại chi phí về giấy tờ này trên thế giới đã vượt quá 420 tỷ USD/năm, chiếm tới hơn 10% kim ngạch mậu dịch quốc tế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh quốc tế. Logistics đã cung cấp các dịch vụ trọn gói giúp giảm tải rất nhiều các chi phí cho giấy tờ, chứng từ trong kinh doanh quốc tế.
Ngoài ra, Logistics điện tử đã tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ vận tải với chi phí cho giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hóa giảm tới mức tối đa. Chất lượng dịch vụ Logistics ngày càng được nâng cao giúp thu hẹp rào cản về mặt không gian lẫn thời gian trong dòng luân chuyển hàng hóa. Từ đó, các quốc gia sẽ xích lại gần nhau hơn trong hoạt động sản xuất và lưu thông.